Trên thế giới, an thần nha khoa trẻ em bằng midazolam đã và đang được sử dụng rất rộng rãi và hiệu quả, tuy nhiên lại rất hạn chế ở Việt Nam. Nghiên cứu tổng quan tài liệu (systematic review) và phân tích gộp (meta analysis) này thực hiện trên 7 nghiên cứu với 871 trẻ dưới 16 tuổi nhằm đánh giá hiệu quả và phân tích các yếu tố ảnh hưởng khi can thiệp midazolam đường uống và đường niêm mạc. Bốn nghiên cứu trong phân tích gộp thực hiện 664 can thiệp có tỷ lệ an thần thành công đường uống (87,2%) cao hơn đường niêm mạc (81,4%) với OR Fixed (tỷ lệ chênh hiệu chỉnh): 1,59 lần (95%CI: 1,03 - 2,45), OR Overall (tỷ lệ chênh thực): 1,59 lần (95%CI: 1,03 - 2,46). Hai nghiên cứu khác so sánh trên 71 trẻ cho kết quả: thời gian làm việc đường niêm mạc (33,2 phút) ngắn hơn đường uống (40,09 phút). Tất cả khác biệt đều không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05. Ngoài ra, an thần niêm mạc khởi phát nhanh hơn; thay đổi vị giác thuốc uống, sử dụng N2O và gây tê tại chỗ góp phần tăng thời gian và hiệu quả an thần. Kết luận: hai đường dùng midazolam đều rất khả thi trong an thần nha khoa trẻ em ở Việt Nam, trong đó midazolam đường dùng niêm mạc phù hợp hơn trong trường hợp cần can thiệp sớm.
Mục tiêu: Tổng hợp bằng chứng từ y văn đặc điểm các phẫu thuật điều trị co lợi có sử dụng vạt trượt về phía thân răng. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu tổng quan luận điểm trên đối tượng là các bài báo khoa học bằng tiếng Anh, được công bố trên cơ sở dữ liệu y học, có liên quan đến mục tiêu nghiên cứu, được thực hiện theo chuẩn PRISMA – ScR. Kết quả: Trong 1306 bài báo tìm được trên các cơ sở dữ liệu, lọc ra 22 bài báo phù hợp với tiêu chuẩn của nghiên cứu. Tổng số 587 bệnh nhân (1270 răng) được phẫu thuật với độ tuổi trải rộng từ 18 đến 59. Các nghiên cứu chủ yếu được thực hiện ở Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Có 5 nghiên cứu chất lượng thấp theo thang điểm JADAD. Quy trình phẫu thuật rất đa dạng, trong đó 81,8% các nghiên cứu sử dụng vạt hình thang và chỉ có 2 phẫu thuật sử dụng kính hiển vi. Hầu hết các nghiên cứu chỉ xử lý bề mặt chân răng bằng biện pháp cơ học; một số xử lý bằng hóa chất, chủ yếu là EDTA 24%. Kết luận: Phần lớn các phẫu thuật trong nghiên cứu là phẫu thuật truyền thống sử dụng vạt hình thang trượt về phía thân răng dày bán phần – toàn phần – bán phần theo kĩ thuật của Zucchelli, bề mặt chân răng được xử lý cơ học sau khi lật vạt, mô ghép (nếu có) được khâu bằng chỉ tự tiêu, vạt được phủ đến ranh giới men – xê măng và khâu bằng chỉ không tiêu.
Mục tiêu: Mô tả thực trạng sâu răng sớm và đánh giá hiệu quả điều trị sâu răng giai đoạn sớm bằng vecni fluor. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang thực hiện trên 200 trẻ, tuổi từ 36 đến 71 tháng tại trường Mầm Non xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, phân loại sâu răng dựa theo tiêu chuẩn đánh giá và phát hiện sâu răng quốc tế ICDAS II. Nghiên cứu can thiệp không đối chứng trên 150 răng được chẩn đoán là sâu răng giai đoạn sớm từ nhóm nghiên cứu mô tả cắt ngang trên và được điều trị bằng MI vanish fluor với liệu trình điều trị một tuần một lần trong 4 tuần liên tục, đánh giá kết quả điều trị sau 6 tháng. Kết quả: Tỷ lệ sâu răng sớm là 82%, sâu răng nghiêm trọng (S-ECC) là 65,2%. Sau 6 tháng mức độ phục hồi hoàn toàn (D0) tổn thương là 120 (80%), D1 là 20 (13,33%) và D2 chỉ còn 10 (6,67%). Kết luận: Tỷ lệ trẻ mắc sâu răng sớm khá cao và mức độ sâu răng nghiêm trọng khá nặng nề, tuy nhiên với những trẻ được điều trị bằng MI vanish fluor với liệu trình mỗi tuần một lần trong 4 tuần liên tục thì tỷ lệ bệnh sâu răng giảm và giảm cả mức độ của bệnh.
Mục tiêu: Mô tả thực trạng sử dụng thuốc sinh học (bDMARD) trong điều trị viêm khớp dạng thấp (VKDT) tại khoa Cơ Xương Khớp- Bệnh viện Bạch Mai (khoa CXK-BVBM) và xác định một số yếu tố ảnh hưởng. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang tiến cứu kết hợp hồi cứu trên 71 bệnh nhân VKDT có dùng bDMARDs tại địa điểm nghiên cứu từ 01/2017 đến 12/2020. Kết quả: bDMARD hay được chọn đầu tiên là thuốc ức chế IL-6 (83,1%), có 29,1% bệnh nhân chuyển sang bDMARD thứ 2 (thường gặp nhất là chuyển sang nhóm ức chế TNF), thời gian duy trì thuốc của nhóm ức chế IL-6 là 131 tuần (CI95%: 108,2-153,8); của nhóm ức chế TNF là 46 tuần (CI95%: 10,4-81,6), (p=0,007). Tỉ lệ tuân thủ điều trị thấp (29,6%). Lý do hàng đầu của không tuân thủ điều trị là kinh tế (35,6%) và đáp ứng tốt (31,4%); của giãn liều là đáp ứng tốt (62%) và kinh tế (24,6%); của dừng thuốc là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (40,6%), hết thuốc (21,7%) và kinh tế (20,3%); và của đổi thuốc là không đáp ứng (30,3%), hết thuốc (36,4%) vàkinh tế (27,3%). Kết luận: bDMARDs nhóm ức chế IL-6 được lựa chọn để khởi đầu điều trị nhiều nhất và có thời gian duy trì lâu hơn nhóm ức chế TNF. Tỉ lệ tuân thủ điều trị thấp và lý do chính của không tuân thủ là không đủ khả năng tài chính. Các yếu tố như không đủ khả năng tài chính, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và hết thuốc, hoặc không đáp ứng với bDMARDs điều trị là những lý do chính khiến cho bệnh nhân đổi hay dừng thuốc.
Stress là vấn đề ngày càng phổ biến, đặc biệt ở sinh viên.Stress có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, khả năng học tập, chất lượng cuộc sống của các bạn sinh viên. Sinh viên răng hàm mặt là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị stress do đó chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm mục tiêu mô tả thực trạng stress và một số yếu tố liên quan ở sinh viên răng hàm mặt đang học tập tại Trường đại học Y Hà Nội năm 2020-2021. Nghiên cứu được thực hiện theo phương pháp mô tả cắt ngang trên 383 sinh viên răng hàm mặt. Trong tổng số 383 sinh viên, có 256 sinh viên có stress (chiếm tỷ lệ 66,84%), tỷ lệ stress ở nam là 63,45%; ở nữ là 68,91%. Theo mức độ stress, tỷ lệ sinh viên bị stress ở mức độ trung bình chiếm tỷ lệ cao nhất 34,46%, mức độ nặng và rất nặng lần lượt là 8,88% và 6,27%. Tỷ lệ stress theo năm học, cao nhất ở sinh viên năm thứ 6 là 73,97%. Một số yếu tố liên quan đến tình trạng stress ở sinh viên răng hàm mặt bao gồm: thiếu tự tin vào bản thân, sự kỳ vọng của bố mẹ khiến cảm thấy áp lực. Như vậy, tỷ lệ stress ở sinh viên răng hàm mặt rất cao và liên quan đến sự tự tin của bản thân, áp lực từ kỳ vọng của bố mẹ.
scite is a Brooklyn-based organization that helps researchers better discover and understand research articles through Smart Citations–citations that display the context of the citation and describe whether the article provides supporting or contrasting evidence. scite is used by students and researchers from around the world and is funded in part by the National Science Foundation and the National Institute on Drug Abuse of the National Institutes of Health.
customersupport@researchsolutions.com
10624 S. Eastern Ave., Ste. A-614
Henderson, NV 89052, USA
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Copyright © 2024 scite LLC. All rights reserved.
Made with 💙 for researchers
Part of the Research Solutions Family.