Đặt vấn đề: Thiếu enzyme glucose 6 phosphate dehydrogenase (G6PD) là bệnh lý di truyền phổ biến, rối loạn di truyền lặn trên nhiễm sắc thể giới tính X. Thiếu enzyme G6PD gây hậu quả: hồng cầu dễ vỡ gây tán huyết cấp, vàng da ở trẻ sơ sinh, làm tăng nguy cơ vàng da nhân, để lại di chứng thần kinh vĩnh viễn. Mục tiêu nghiên cứu: Xác định tỷ lệ thiếu hụt enzyme G6PD và một số yếu tố liên quan với sự thiếu hụt enzyme G6PD ở trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 1000 trẻ sinh ra tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt từ tháng 11 năm 2019 đến tháng 3 năm 2020 có chỉ định xét nghiệm enzyme G6PD và công thức máu. Lập phiếu khảo sát thông tin tuổi mẹ, giới tính trẻ, tuổi thai, cân nặng khi sinh, tiền sử bệnh di truyền của gia đình. Dữ liệu thu thập được xử lý bằng phần mềm thống kê SPSS 20.0. Kết quả: Tỷ lệ thiếu hụt enzyme G6PD là 2,2%. Có mối tương quan giữa sự thiếu hụt G6PD với giới tính, cân nặng, nồng độ hemoglobin; không có mối tương quan của G6PD với địa lý, tuổi mẹ, tuổi thai. Kết luận: Sàng lọc sơ sinh về tình trạng thiếu enzyme G6PD nên được thực hiện ở tất cả trẻ sơ sinh được sinh ra trong cơ sở y tế để phát hiện sớm và có các biện pháp phòng ngừa bệnh thích hợp.
Đặt vấn đề: Ung thư tuyến giáp là bệnh thường gặp và xảy ra khi có sự bất thường trong sự phát triển của các tế bào tuyến giáp. Anti Thyroglobulin (Anti Tg) sau phẫu thuật có thể đóng vai trò là dấu ấn sinh học cho mô tuyến giáp còn sót lại, được tìm thấy thường xuyên hơn trong ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, được sử dụng để theo dõi sự tái phát hoặc tồn tại của ung thư tuyến giáp thể biệt hóa. Mục tiêu nghiên cứu: Xác định nồng độ Anti Tg huyết tương và tìm hiểu mối tương quan giữa nồng độ Anti Tg với các yếu tố khác trong theo dõi bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa được phẫu thuật kết hợp điều trị I-131. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 115 người bệnh ung thư tuyến giáp thể biệt hóa được phẫu thuật toàn bộ tuyến giáp kết hợp điều trị I-131 lần đầu tại Khoa Y học hạt nhân Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Dữ liệu thu thập được xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0. Kết quả: Nồng độ Anti Tg trên người bệnh ung thư tuyến giáp thể biệt hóa sau điều trị giảm có ý nghĩa thống kê so với trước điều trị. Anti Tg với Tg trước điều trị có mối tương quan nghịch, sau điều trị có mối tương quan thuận. Kết luận: Cần tiếp tục nghiên cứu giá trị của xét nghiệm Anti Tg trong việc theo dõi bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa được điều trị bằng I-131 sau phẫu thuật.
Đặt vấn đề: Đái tháo đường thai kỳ là một tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai. Đái tháo đường thai kỳ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều nguy cơ cho mẹ và thai nhi như sẩy thai, thai chết lưu, mẹ tăng huyết áp, con sinh ra hạ canxi máu. Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu nhằm xác định tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ và một số yếu tố liên quan với đái tháo đường thai kỳ ở phụ nữ mang thai đến khám tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, được thực hiện trên 600 phụ nữ mang thai có tuổi thai từ tuần 24 đến tuần 28 đến khám thai. Thông tin bệnh nhân và kết quả xét nghiệm được thu thập thông qua phiếu nghiên cứu. Dữ liệu thu thập được xử lý bằng phần mềm thống kê SPSS 20.0. Kết quả: Tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ ở phụ nữ có thai là 15,8%. Có mối liên quan giữa ĐTĐ thai kỳ với tuổi thai, BMI của thai phụ trước khi mang thai, phụ nữ có tiền sử sẩy thai, thai chết lưu và cân nặng của trẻ trong các lần sinh trước (p < 0,05). Kết luận: Nên tiến hành khám tầm soát đái tháo đường thai kỳ cho tất cả thai phụ 24-28 tuần tại các cơ sở y tế để phát hiện sớm đái tháo đường thai kỳ.
Mục tiêu: So sánh ảnh hưởng của phương pháp sinh thiết phôi nang chưa thoát màng và đang thoát màng đến kết quả chuyển phôi. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu thuần tập hồi cứu trên 615 chu kỳ chuyển đơn phôi nang đông lạnh chuẩn bội tại trung tâm Hỗ trợ sinh sản-Bệnh viện đa khoa 16A Hà Đông từ 3/2018-9/2022. Trong đó, 247 phôi chuyển được sinh thiết theo phương pháp cho phôi chưa thoát màng và 368 phôi chuyển được sinh thiết theo phương pháp cho phôi đang thoát màng. Tỷ lệ có thai lâm sàng được tính toán để đánh giá hiệu quả giữa hai phương pháp. Kết quả: Tỷ lệ thai lâm sàng khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm (44,6% và 42,6%, P = 0,626). Khác biệt không có ý nghĩa thống kê cũng được thể hiện khi so sánh ảnh hưởng của hai phương pháp đến tỷ lệ thai lâm sàng trong các phôi có cùng đặc điểm hình thái ICM-TE. Phân tích hồi quy logistic đa biến cho thấy phương pháp sinh thiết không phải là yếu tố liên quan đến khả năng có thai lâm sàng (OR: 1,237, 95% CI: 0,856-1,790, P = 0,258). Kết luận: Sinh thiết phôi chưa thoát màng và đang thoát màng có hiệu quả tương đương.
Mục tiêu: Sử dụng thang điểm MDS-UPDRS phần III để xác định độ nặng của bệnh Parkinson khởi phát người trẻ và xác định mối tương quan giữa điểm số MDS-UPDRS và điểm Hoehn – Yahr với bệnh Parkinson khởi phát người trẻ. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang tiến hành trên 100 bệnh nhân đã được chẩn đoán bệnh Parkinson khởi phát từ dưới 50 tuổi, đến phòng khám nội thần kinh tại bệnh viện Chợ Rẫy từ tháng 7/2020 đến tháng 7/2022. Bệnh nhân được phỏng vấn trực tiếp và khám lâm sàng bởi các bác sĩ chuyên khoa về rối loạn vận động dựa trên bộ câu hỏi soạn sẵn. Dữ liệu được phân tích thống kê bởi chuyên gia thống kê sinh học. Kết quả: Kết quả cho thấy thang điểm MDS-UPDRS phần III trung vị là 35,5 và khoảng tứ phân vị là 25,5 – 47,5. Có sự tương quan thuận mức độ yếu giữa tuổi, thời gian mắc bệnh và sự tương quan thuận mức độ mạnh giữa giai đoạn bệnh theo tiêu chuẩn Hoehn và Yahr với điểm số MDS-UPDRS phần III (p<0,05). Có mối liên quan đáng kể giữa tình trạng tiếp xúc hóa chất trừ sâu, diệt cỏ với điểm số MDS-UPDRS phần III (p<0,05). Kết luận: Một cuộc khảo sát trên 100 bệnh nhân Parkinson khởi phát người trẻ nhận thấy có mối liên quan đáng kể giữa độ nặng thang điểm MDS-UPDRS phần III và thời gian mắc bệnh. Với những bệnh nhân tiếp xúc với thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ, chúng tôi nhận thấy mối liên hệ rất đáng kể với thang điểm MDS-UPDRS phần III.
scite is a Brooklyn-based organization that helps researchers better discover and understand research articles through Smart Citations–citations that display the context of the citation and describe whether the article provides supporting or contrasting evidence. scite is used by students and researchers from around the world and is funded in part by the National Science Foundation and the National Institute on Drug Abuse of the National Institutes of Health.
customersupport@researchsolutions.com
10624 S. Eastern Ave., Ste. A-614
Henderson, NV 89052, USA
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Copyright © 2025 scite LLC. All rights reserved.
Made with 💙 for researchers
Part of the Research Solutions Family.